TextBody

Lần đầu tiên ghi nhận tổ loài Gõ kiến nhỏ sườn đỏ tại Việt Nam

29/04/2025

Gõ kiến nhỏ sườn đỏ, tên khoa học - Picus major Linnaeus, 1758, tên tiếng Anh - Great spotted woodpecker. Là một loài chim thuộc họ gõ kiến (Picidae) trong bộ Gõ kiến (Piciformes). Loài chim định cư có sự phân bố rộng, có mặt ở khắp châu Âu, và phía Bắc châu Á. Tuy nhiên, ở Việt Nam, việc quan sát, ghi nhận được loài này là rất hiếm.

Lần đầu tiên ghi nhận bằng hình ảnh loài Gõ kiến sườn đỏ nhỏ làm tổ tại Việt Nam.

Gõ kiến sườn đỏ trống.

Gõ kiến sườn đỏ mái.

Sinh cảnh sống của Gõ kiến nhỏ sườn đỏ ở Việt Nam là rừng lá rộng thường xanh tại một số tỉnh thuộc khu vực biên giới phía Bắc, ở độ cao từ 1900 m đến 2600 m. Chim có kích thước trung bình, cá thể trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 20 cm - 24 cm, khối lượng từ 70 g - 98 g, sải cánh từ 34 cm - 39 cm. Chim có phần thân trên màu xanh đen bóng, mặt và cổ màu trắng. Một vệt đen nhỏ kéo dài từ gốc mỏ qua vai đến giữa ngực. Vai có mảng trắng lớn, cánh và đuôi có các dải đen trắng đan xen. Phần dưới cơ thể màu trắng với phần bụng dưới và dưới đuôi màu đỏ tươi. Mỏ có màu đen nhạt, chân màu xám xanh và mắt màu đỏ thẫm.

Gõ kiến sườn đỏ trống đang làm tổ.

Trong đợt khảo sát nghiên cứu khu hệ chim tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thuộc tỉnh Lào Cai tháng 4/2025, đoàn nghiên cứu của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã ghi nhận được một cặp chim Gõ kiến nhỏ sườn đỏ đang làm tổ tại độ cao 2150 m trên khu vực tuyến đường đi đỉnh Kỳ Quan San. Tổ chim được làm bằng cách khoét lỗ hình tròn trên mặt nghiêng của thân cây khô, độ cao của tổ so với mặt đất khoảng 20 m. Chim trống và chim mái thay phiên nhau dùng mỏ mổ vào thân cây để tạo tổ có đường kính khoảng 6 cm, sâu từ 13 cm đến 15 cm. Đây là lần đầu tiên ghi nhận được bằng hình ảnh loài chim này làm tổ tại Việt Nam.

 

Clip ghi lại cảnh loài Gõ kiến nhỏ sườn đỏ đang làm tổ tại Việt Nam

Tin bài, ảnh và clip: Phạm Hồng Phương (Viện Sinh thái nhiệt đới)